見出し画像

[Vietnamese] ENHYPENを読み解くキーワード ①シェイクスピアとパンデミック Từ khóa để đọc hiểu ENHYPEN ~ Phần 1: Shakespeare và Đại dịch 

<はじめに>

なんとも光栄なことに、私の拙い記事をベトナムENGENEに紹介したいと言ってくださる方が現れました。熱意をもって細かい部分まで翻訳してくださったので、ぜひここに掲載させて頂きたく思います。
mさん、素敵な機会をありがとうございます😊💕
ベトナムENGENEの推し活に、少しでも彩りを添えることができたら幸せです。


<Lời nói đầu>

Thật sự rất vinh hạnh cho tôi, khi gặp được người nói rằng muốn giới thiệu những bài viết vụng về của mình đến các bạn ENGENE Việt Nam. Tôi xin phép được giới thiệu ở đây vì bạn ấy đã dịch rất nhiệt tình, đến cả những chi tiết nhỏ nhất.
Cảm ơn m vì cơ hội tuyệt vời này 😊💕
Tôi rất hạnh phúc nếu có thể góp chút xíu sắc màu nào đó vào hoạt động fandom của các bạn ENGENE Việt Nam.


※Đây là bản dịch tiếng Việt của bài viết “ENHYPENを読み解くキーワード 〜①シェイクスピアとパンデミックđã được đăng tải vào ngày 25 tháng 6 năm 2021.

Người viết: EN-GAWA(@EN_GAWArin
Người dịch: m(@jakekeheehee


Introduction


"Comeback tiếp theo sẽ tới vào mùa thu, nên từ giờ tới đó cứ thong thả sắp xếp lại thông tin..."
Đấy là tôi nghĩ vậy, nhưng có vẻ sẽ không được như thế rồi.


Thành thật mà nói, tôi cứ tưởng ở màn debut Nhật vào tháng 7, câu chuyện của ENHYPEN universe (tên đặt tạm.  EU/Dark Moon) sẽ không có bước tiến quá lớn. Nhưng khi xem tình hình gần đây, tôi đã phải nghĩ lại rằng “Cứ thế này mọi thứ sẽ bay vụt qua mất.”

Thế nên tôi muốn nhân dịp này sắp xếp và viết xuống những suy nghĩ căn bản của mình, trước khi câu chuyện của EU liên tục  tiến triển quá xa.

Nói thế này hơi đột ngột, nhưng từ giờ trở đi các cậu ấy sẽ
Đi xuyên qua một lỗ sâu và bước vào cuộc hành trình dài thật dài vượt qua không-thời gian.
Đó là điều tôi đang dự đoán.

Một vài người sẽ cười và nói "Tự nhiên lại thành truyện Doraemon vậy lol". Nhưng cũng sẽ không ít người nói rằng, "Biết rồi còn cần phải nói?"
Các bạn thuộc vế sau chắc hẳn là những người đã quen thuộc với câu chuyện của BTS và TXT. Đúng vậy, câu chuyện của các tiền bối chính là thể loại fantasy với chìa khóa là cú nhảy đến một thế giới khác.

Và tại nơi đáp đó, người ta sẽ phải đối mặt với thế giới nội tâm của bản thân mà chẳng thể tránh né. Đó chính là mô hình bất biến.
MV của ENHYPEN cũng đã cho chúng ta thấy xu hướng này, nên sẽ chẳng lạ gì khi dự đoán về một hướng phát triển mang tính khoa học viễn tưởng.

Dẫu vậy,
vào lúc này, tôi sẽ tạm gác điều đó sang một bên.
Bởi, trong cú nhảy vượt thời không của ENHYPEN, còn có một điều rất khác, là một điều không thể thiếu, vô cùng sâu sắc và đầy cảm xúc.


Tôi vốn thích diễn giải luôn câu chuyện, nhưng để đến được đó thì cần có một vài tiền đề. Hôm nay, tôi muốn nói một chút về điều đó.

Từ giờ, ta sẽ tạm rời xa thế giới lấp lánh của các idol K-pop, và bước vào một câu chuyện nơi những ai không có mấy sở thích lạ kỳ sẽ ngơ ngác “Ủa đang nói gì dọ?”.
Nhưng một khi bạn biết được rằng các cậu ấy, thật bất ngờ thay, lại có mối liên hệ với những điều thoạt nhìn tưởng chừng chẳng liên quan, có thể bạn sẽ bắt đầu nhìn ra được nhiều thứ với một con mắt khác.
Nếu có hứng thú, xin hãy đồng hành cùng tôi để chìm đắm xuống đại dương sâu thẳm.


THÔNG ĐIỆP CỦA ENHYPEN QUA NHỮNG TRÍCH DẪN TỪ TÁC PHẨM CỦA SHAKESPEARE


Bất kể thế nào thì Shakespeare cũng vô cùng quan trọng.
Từ giờ, tôi sẽ giải thích ngắn gọn nhất có thể về
3 điều bạn cần biết trong “những chuyện kết nối đến Shakespeare”
- thứ là nền tảng cho câu chuyện của ENHYPEN.


Đầu tiên là về những trích dẫn Shakespeare thường được tìm thấy trong âm nhạc và video của ENHYPEN.
Bạn có thể đọc thêm về điều này trong weverse magazine "Khi câu chuyện của ENHYPEN hội ngộ Shakespeare", được phát hành vào ngày 7 tháng 12 năm 2020.


Thật ra lúc nhìn thấy bài viết này, tôi đã khá bất ngờ khi bài viết ngay sau khi debut của một idol group còn trẻ như thế lại là về Shakespeare...
Tôi tự hỏi, liệu người trẻ ngày nay có còn hứng thú với Sonnet hay là Hamlet chăng?

Có thể do HYBE đã muốn đưa ra gợi ý ngay từ những phút ban đầu.
Chính bởi vì đây là nguồn gốc của ENHYPEN.

Có lẽ trong tác phẩm của Shakespeare, có một số đoạn rải rác được tìm thấy là đã để lại ảnh hưởng cho “BORDER:DAY ONE”, nhưng bài viết trên cho chúng ta biết chính xác đâu là những trích dẫn quan trọng nhất.


① Sonnet 11 ... “Intro:Walk The Line” 

"she carved thee for her seal"
(Tạm dịch: Thiên nhiên khắc nên anh để in dấu ấn)

'Intro : Walk the Line'
from BORDER : DAY ONE



②Sonnet 148 ... “Given-Taken”

"the sun itself sees not till heaven clears"
(Tạm dịch: Ánh dương cũng chẳng thể tỏ khi trời chưa ngớt mây đen)

'Given-Taken'
from BORDER : DAY ONE




③Hamlet, Màn III cảnh 1... “Given-Taken”

"to be or not to be, that is the question."
(Tạm dịch: Tồn tại hay không tồn tại, đó là câu hỏi.)

'Given-Taken'
from BORDER : DAY ONE




④Hamlet, Màn I cảnh 3... “Outro:Cross The Line”

"This above all―to thine own self be true,
 And it must follow, as the night the day
 Thou canst not then be false to any other man."
(Tạm dịch: Có điều này quan trọng hơn cả, là phải thành thực với chính mình
 Và rồi như ngày nối tiếp đêm
 Có như thế ta mới không dối trá với người khác.)

'Outro : Cross the Line'
from BORDER : DAY ONE


Về chi tiết, xin hãy tham khảo bài viết gốc.
Trên cơ sở đó, nếu ta vừa trích dẫn những tác phẩm ấy, vừa diễn đạt lại điều họ thể hiện thành những cụm từ (chưa được trau chuốt), thì sẽ như dưới đây.


"Niềm khao khát với vĩnh cửu"

"Xung đột với mặt trời (ánh sáng)"

"Đặt nghi vấn về lý do tồn tại của bản thân"

"Một lời thề rằng phải thành thật với chính mình"


Thật dễ hiểu và đầy tính biểu tượng!

Đây không gì khác chính là chủ đề của họ khi bắt đầu sống với cuộc đời nghệ sỹ, và đồng thời có lẽ cũng chính là cuộc đời của những thiếu niên ma cà rồng trong MV.


Ta không thèm muốn những lạc thú phù du.
Ta muốn sống như một thứ tồn tại vượt thời gian và chẳng bao giờ đánh mất giá trị.
Vì lý do gì chúng ta được khắc nên trong thế gian này?
Thứ cần thiết để biết được điều đó chính là,
Hãy thề sẽ tiến lên ngay cả khi phải phơi mình dưới ánh sáng rực rỡ như thiêu đốt.


Từ “BORDER:DAY ONE” với những trích dẫn Shakespeare, chúng ta có thể đọc suy nghĩ của họ theo cách đó.
Từ giờ trở đi, các cậu ấy ngoài đời và những thiếu niên trong drama sẽ cùng nhau đối mặt với chủ đề này, và đi trên cùng một con đường là "hành trình của trái tim".


THỜI TRUNG CỔ VÀ HIỆN ĐẠI ĐƯỢC KẾT NỐI BỞI ĐẠI DỊCH


Thứ hai, chúng ta cần chú ý đến những gì đã xảy ra ở thời đại Shakespeare sống.

Đó là một đại dịch.

Vào thời điểm đó, ở quê hương nước Anh của Shakespeare, đã có một đại dịch hoành hành rải rác từ thế kỷ 14 mang tên là Cái Chết Đen.
Đại dịch từ 1348 ~ 1350 đã làm giảm một nửa dân số London. Các dịch bệnh tiếp tục lặp lại và con người vẫn phải sống chung với bệnh dịch cho đến tận thế kỷ 17.

”The Triumph of Death”
(Pieter Bruegel, 1562)


Sinh năm 1564 thuộc về thời đại đó, Shakespeare đã phải trải qua tổng cộng ba đại dịch trong đời.
Khi ông được ba tháng tuổi, quê nhà ông là thị trấn Stratford-upon-Avon đã có khoảng 1/10 dân số tử vong. Sau khi đến London với tư cách là một nhà biên kịch, ông đã tận mắt chứng kiến dân số London giảm đi 20.000~30.000 người khi đại dịch hoành hành với quy mô lớn trong năm 1593 và năm 1603.

Phải, đây là một sự thật rất đáng lưu tâm.

Khi phải tự cách ly do đại dịch từ năm 1593, Shakespeare đã âm thầm viết nên vở kịch “Romeo và Juliet” tại nhà mình.
Khi nhà hát buộc phải đóng cửa do đại dịch vào năm 1603, ông đã viết ra “King Lear”; thậm chí sau đó đã dành thời gian cách ly tại nhà để tạo nên một loạt kiệt tác lưu danh hậu thế như “Macbeth” hay “Antony and Cleopatra”.

Sống mãi trong những tác phẩm này là quan điểm độc đáo của Shakespeare về sự sống và cái chết, thứ được bồi đắp bởi ánh nhìn thấu suốt và điềm đạm hướng về một thế giới hỗn loạn vì đại dịch.
Và đó cũng là lý do tại sao chúng chiếm được cảm tình của những người đang sống trong nỗi bất an.



Tiếp theo là câu chuyện, “vậy đã có gì xảy ra sau đó?”.

Shakespeare đã thành công với những tác phẩm này và ngày càng củng cố sự nổi tiếng của mình với tư cách một nhà viết kịch...
Nhưng không chỉ có vậy.
Ông đã không trở thành tác gia sớm nở chóng tàn. Trong một thế giới rất khác thời đại đó, đến hơn 400 năm sau, những tác phẩm của ông đã trở thành “vĩnh cửu” khi vẫn không ngừng được yêu thích và được công diễn khắp nơi.

Shakespeare, người đã nhiều lần thuyết giảng về sự quý giá của "vĩnh cửu" trong tuyển tập thơ Sonnet của mình, cuối cùng đã thành công "vĩnh viễn in lại dấu ấn nơi thế giới này".
Đó cũng là một cách thắp lên ánh sáng nơi trái tim người người, trong hoàn cảnh đầy tuyệt vọng giữa đại dịch.

Đây chẳng phải chính xác là những gì mà HYBE và ENHYPEN đang hướng tới hay sao?

Năm 2020, ở thời đại nơi thế giới bị ngưng trệ vì đại dịch, một nhóm có tên là ENHYPEN đã ra đời.
Khi quá trình chuẩn bị cho I-LAND đang dần được tiến hành, có lẽ không ai trong ban lãnh đạo cấp cao của HYBE có thể tưởng tượng rằng thế giới sẽ trở nên thế này. Nhưng khi thế giới đã thành ra như thế, họ nghĩ rằng nhất định phải có một ý nghĩa nào đó khi sinh ra trong thời đại này. Và gợi ý tìm đến chính là Shakespeare.


ENHYPEN đã tìm thấy cả “câu hỏi” và “câu trả lời” nơi văn hào vĩ đại ấy.
Bước tiếp theo chính là tự mình tìm ra con đường dẫn tới "đích đến" mà họ đang hướng tới và tiếp tục bước đi.



Phải
Vậy nên hãy nghe "Intro: Walk The Line"

Không nhưng mà thực sự là bài hát này tuyệt vời đến mức luôn khiến tôi nổi da gà!

Vẻ đẹp của thế giới được ghi lại bởi đôi mắt mới chào đời.
Buổi sáng đầu tiên khi ta không biết một điều gì về thế giới đó và thề rằng chỉ tiến thẳng trên con đường trải dài trước mặt.
Nếu bạn lắng nghe ENHYPEN trong khi suy nghĩ về nguồn gốc của các cậu ấy và con đường mà họ đang hướng tới, tôi nghĩ cách bạn chìm đắm sẽ thay đổi.
Việc sử dụng tiếng Ý cũng khiến tôi thấy khá hấp dẫn...


Lẽ ra nên tiếp tục đến câu chuyện thứ 3 trong “những chuyện kết nối đến Shakespeare”, nhưng bài viết đã dài dẫn đến lạc đề nên tôi sẽ để cho lần sau.


BONUS KỲ NÀY 

Nhắc đến Shakespeare sẽ phải nhắc “Hamlet”. Nghĩ tới Hamlet, hình ảnh này sẽ ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí ta. Cái kết của Ophelia, người bị Hamlet yêu dấu của mình đối xử lạnh nhạt và đã chọn cái chết trong tuyệt vọng.

”Ophelia” (John Everett Millais, 1852)

Về chi tiết này trong bức tranh.

Trong số những tác phẩm hội họa có xuất hiện loài hoa Forget-me-not (cỏ lưu ly), thì có lẽ nổi tiếng nhất chính là đóa hoa nở trong bức tranh này.

Ở Anh, nó là một loài hoa thường nở cạnh mép nước.

Cái tên đầy ấn tượng này xuất phát từ một truyền thuyết, về câu nói cuối cùng của chàng hiệp sĩ đã rơi xuống sông khi cố gắng hái bông hoa này để tặng người yêu: “Xin đừng quên tôi”.

"Xin hãy nhớ lấy tôi cho đến ngày ta gặp lại ở kiếp sau."
Nghe thật xót xa biết bao khi nghĩ rằng những cảm xúc như vậy sẽ tràn ngập vào thời điểm sắp bị cái chết chia cắt với người trân quy của đời mình.

Tôi nghĩ có thể nó sẽ được sử dụng như thế trong ENHYPEN universe.

Còn chút nữa là đến debut Nhật rồi! yeah!

<Chú thích 05/2023>
Khoảng 10 ngày sau khi bài viết này được đăng tải, vào ngày 6 tháng 7 năm 2021 ENHYPEN đã debut ở Nhật với album “BORDER: Hakanai” có chứa ca khúc gốc tiếng Nhật “Forget Me Not”. Sau đó, bộ truyện webtoon “DARK MOON: THE BLOOD ALTAR” đã bắt đầu vào tháng 1 năm 2021, kể về câu chuyện fantasy romance của nàng công chúa và hiệp sỹ bị chia cắt từ tiền kiếp..



Các bạn ấn nút ❤️ ngay bên dưới bài viết thử nha, sẽ có thứ thú vị xuất hiện đó!

Mọi người đọc xong hay để lại comment ở bài đăng trên facebook của m nha. Link:https://t.co/rCAQKCI9sO


この記事が気に入ったらサポートをしてみませんか?