見出し画像

Thời đại của vô số những thành công nhỏ

Giả sử bạn là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ với hàng nghìn người hâm mộ. Bạn chăm chỉ làm việc để viết ra một bài hát mỗi tháng. Nỗ lực được đền đáp và lượt xem bài hát lên tới 2 triệu lần mỗi năm trên Youtube. Tuy nhiên, trong thời đại nhạc trực tuyến này, bạn chỉ nhận lại được có 200 triệu.

Thị trường âm nhạc năm 2018 đã tăng khoảng 10% so với năm trước. Số lượng người nghe đã tăng lên và thời gian họ nghe nhạc cũng tăng lên. Nhưng "tầng lớp nhạc sĩ trung lưu" như Lil Shady hay Ưng Đại Vệ (mặc dù mình thích Ưng Đại Vệ ;(( ) với số lượng người hâm mộ vừa phải và số lượt nghe cũng vừa phải giờ đây có thu nhập ít hơn nhiều so với thời đại bán đĩa CD. Zoe Keat, một nghệ sĩ cello, có 2 triệu lượt nghe (tổng cộng 190.000 giờ) bởi 241.000 người nghe ở 65 quốc gia. Tuy nhiên, cô chỉ thu được 260 triệu. Ở Việt Nam thì đây là một thu nhập khá ổn nhưng ở các nước phát triển thì thu nhập này không đủ để sống một cách thoải mái. Nguyên nhân điều này một phần là do mô hình kinh doanh của Youtube, chia sẻ doanh thu cho các nhạc sĩ theo số lần xem chứ không phải số lượng người hâm mộ.

Spotify (một dịch vụ phát nhạc trực tuyến tương tự như Youtube) đã tuyên bố sẽ tăng thu nhập cho các nghệ sĩ, nhưng vẫn không có thay đổi gì. Không chỉ Spotify, mà sự chênh lệch giữa nguồn thu nhập đáng được nhận và thu nhập thực tế cũng xuất hiện ở các platform khác như Uber hay Airbnb.
Ví dụ: Amazon Flex, một dịch vụ cho phép bạn thực hiện giao hàng miễn phí Amazon trong một khoảng thời gian ngắn bị tố cáo là có điều kiện làm việc khắc nghiệt. Trong khi làm việc, nhiều nhân viên không có thời gian để đi vệ sinh, họ phải đi vệ sinh vào chai nhựa trong khi lái xe. Các tài xế Uber cũng phải cạnh tranh khốc liệt để tranh giành hành khách. Câu chào hàng của Airbnb: "Chủ sở hữu có thể cho thuê phòng để kiếm thêm một ít tiền" giờ đây đã khác xa với thực tế. Phần lớn phòng cho thuê của Airbnb được cung cấp bởi các công ty bất động sản. 10% căn phòng hàng đầu tạo ra 48% tổng doanh thu trong năm 2017.

Jesse Walden đã viết trên blog của mình rằng mối quan hệ giữa những người cung cấp dịch vụ và người sử dụng trên các platform theo thời gian sẽ thay đổi từ một "mối quan hệ hợp tác" thành một "mối quan hệ cạnh tranh". Ban đầu khi platform được tạo ra, người ta hay nói "Cảm ơn bạn đã đến". Theo thời gian nó thay đổi thành "Nếu bạn không muốn thì mời đi nơi khác".
Ở đây có hai cuộc cạnh tranh đối với người cung cấp dịch vụ. Một là cạnh tranh với platform để nhận được nhiều phần trăm hơn từ một chiếc bánh. Hai là cạnh tranh với những người cung cấp dịch vụ khác. Khi các platform trở nên lớn mạnh, cạnh tranh giữa người cung cấp dịch vụ sẽ trở nên gay gắt hơn. Nguyên nhân của vấn đề này là việc thay đổi mô hình kinh doanh của platform. Mô hình ban đầu là tập trung tăng số lượng người dùng, rồi sau đó chuyển sang mô hình kiếm tiền thật nhiều khi số người dùng đã vượt quá chỉ tiêu.

Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Kevin Kelly nói trên blog "1000 True Fans" rằng bạn hãy tìm ra 1000 người hâm mộ sẽ trả cho mình 100 đô la mỗi năm trên khắp thế giới. Và nhận tiền trực tiếp mà không cần trung gian. Bằng cách đó, bạn có thể kiếm được khoảng 100 nghìn đô la mỗi năm. Với sự lan truyền của mạng xã hội, điều này giờ là không khó.

Mặt khác, một số tổ chức đang cố gắng sử dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo để phân công lại vai trò của các platform như GAFA. Nếu họ thành công thì quyền lợi của các nghệ sĩ và tiền bản quyền sẽ được phân phối một cách tự động và công bằng hơn. Khi một cô gái ở Nepal nghe nhạc của bạn, hệ thống sẽ tự động phân phối doanh thu cho nhạc sĩ và ca sĩ ngay lập tức. Hệ thống sẽ trả lại 90% số tiền thu được từ người nghe cho các nghệ sĩ.

Công nghệ và thị trường đang tiếp tục thay đổi. "Các nghệ sĩ cũng cần phải là doanh nhân", Troy Carter, cựu quản lý của Lady Gaga và người đứng đầu bộ phận Creator Service của Spotify cho biết. Các nghệ sĩ cần phải làm nhiều hơn là sáng tác.

Khi công nghệ blockchain phát triển và nhiều nghệ sĩ có đầu óc kinh doanh xuất hiện, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế mới. Ở đó, không có platform trung gian giữa người dùng và người cung cấp. Sẽ tồn tại vô số mối quan hệ đơn giản hơn phân tán khắp internet. Sẽ không có những tên béo phì như GAFA mà sẽ có vô số những thành công nhỏ sinh ra.

この記事が気に入ったらサポートをしてみませんか?